Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Gỗ nu

Gỗ Nu thực chất không phải là một loại cây gỗ cố định. Gỗ nu là một phần “dị tật xấu xí” của  một loại gỗ bất kỳ. Gỗ nu là từ bướu của các cây gỗ quý. Đặc điểm nổi bật của chúng là cứng, có vân đẹp và dùng để chế tác luôn tạo ra những tác phẩm đặc biệt.

Quá trình tạo nu có thể được hiểu như sau: Từ những vết dị tật, vết thương trên những cây có tuổi thọ lớn do bị chặt chém, bị gãy, bị sét đánh hoặc do những vết mối mọt sâu trong thân gỗ. Từ đó nguồn nhựa và dinh dưỡng nuôi cây bị gián đoạn. Thân cây cũng tự động tạo ra biến dị đặc biệt để chống lại nghịch cảnh, lâu ngày tích tụ lại thành một cái bướu sần sùi cứng đanh. Gỗ nu phố biến hiện nay là nu hương, nu nghiến, nu sưa… trong đó nu nghiến là loại được ưa chuộng nhất, nhiều người còn gọi đó là ngọc nghiến.

Nu ngọc nghiến 

Giá gỗ nu nghiến trung bình cũng tầm từ 1,5 đến 2 triệu đồng/kg còn đối với những loại gỗ hiếm ra Nu như Sưa thì giá tầm 24 – 25 triệu đồng/kg.  

Gỗ nu quý vì không phải cứ thân cây lớn là sẽ có nu. Trong hàng trăm cây gỗ lớn sẽ chỉ có một số cây tạo được vài mảng nu và thậm chí nhiều loại gỗ quý như sưa thì cả trăm cây chỉ gặp được một đến hai cây cho nu. Vân xoắn của gỗ nu là ngẫu nhiên, gỗ cứng, phải có máy móc hỗ trợ thì làm xong một tác phẩm, chế tác khó nên giá hoàn thành cũng cao hơn thông thường. Dùng đèn pin nhỏ soi vào các mắt nu (là những vòng tròn nhiều vân uốn lượn), càng nhiều vân nhỏ mảnh cuộn xung quanh mắt nu thì càng lâu năm và càng có giá trị.

Gỗ nu tuy cứng nhưng nếu chế tác không khéo có thể gây nứt vỡ và xuống màu sau một thời gian sử dụng. Do đó mà gỗ phải được áp dụng “Phơi sương” bằng cách tối đem phơi sương sáng mang vào mát trong nhiều tháng liền giúp hơi nước thoát chậm tự nhiên và làm cho các vân gỗ khít lại không bị tách hay nứt gãy.

 

Cây gỗ gõ đỏ

Cây gõ đỏ còn có các tên gọi khác như cà te, hổ bì. Cây gõ đỏ có tên khoa học là: Afzelia xylocarpa, thuộc thực vật họ đậu. Cây gõ đỏ cho gỗ có chất lượng tốt, màu sắc vân gỗ đẹp. Khi gỗ mới được chế tác sẽ có mầu đỏ đậm, nhưng sau một thời gian gỗ sẽ xuống màu đỏ nâu và sang trọng hơn. Gỗ gõ đỏ thuộc nhóm gỗ thứ I, là loại gỗ quý hiếm được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam.


Cây gỗ đỏ thường phát triển chậm, cây thường thường mọc ở tầng đất thấp, đất bằng hay sườn thoát nước, là loại cây ưa sáng. Cây gỗ gõ đỏ thường cao từ 25 - 30m, thân thẳng tròn, vỏ màu xám trắng và khá sần sùi. Vào tháng 3 - 4 cây gõ đỏ nở hoa, đây là loại hoa lưỡng tính có màu trắng hoặc hồng dài từ 5 - 12mm mặt trong có lông. Vào tháng 10 - 11 cây gỗ đỏ cho quả hình quả đậu, có hạt hình trứng.

Đặc tính của gỗ gõ đỏ là có thể chịu nắng mưa rất tốt và đặc biệt không hề bị cong vênh mối mọt hay bị tác động bởi thời tiết. Đường vân của gỗ gõ đỏ có màu nâu đỏ, đậm, những giác gỗ không có sự chênh màu giữa các chỗ mà tương đối đồng đều. Ngoài ra, vân gỗ có sự độc đáo, lạ mắt khi có hình cuộn xoắn bên cạnh các đường đều, rõ nét như thường thấy. Gỗ gõ đỏ khá nặng, cứng, bền với thớ mịn, dễ gia công dùng để đóng đồ trang trí nội thất, trạm trổ, làm sàn nhà, đóng bàn ghế...


Hiện nay gỗ gõ đỏ chủ yếu là từ Lào và Nam Phi. Gỗ gõ đỏ Lào thường có tuổi đời hàng trăm năm. Còn gỗ gõ đỏ Nam Phi có tuổi đời thường không cao. Gỗ gõ đỏ Lào thường nặng hơn và có mầu đỏ hơn gỗ gõ đỏ Nam Phi.  Bởi tính khan hiếm nên giá gỗ gõ đỏ Lào hiện nay dao động từ 50 - 70 triệu /1m3.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Gỗ cây muồng đen

Cây muồng đen còn có tên gọi là muồng xiêm, cây thuộc học đậu và có danh pháp khoa học là Cassia siLamk. Ở Việt Nam cây mọc hoang dại trong các rừng tự nhiên từ Quảng Ninh đến các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và phía nam như Đồng Nai. Muồng đen là loài cây ưa sáng và chịu hạn tốt.

Ở Việt Nam, gỗ muồng đen thuộc gỗ nhóm I, nhưng loài cây này lại không nằm trong nhóm thực vật quý hiếm cấm khai thác, tàng trữ, vận chuyển. Gỗ thuộc dạng quý nhưng số lượng loài cây này còn khá nhiều, loại cây này lại thuộc nhóm IIA. Gỗ muồng đen có giác, lõi phân biệt, giác vàng đến trắng dày 3–7 cm, lõi nâu đậm đến đen tím hay thôi màu nếu gặp nước. Chất gỗ cứng, nặng, lõi khó mục không bị mối mọt ăn nên rất chuộng. Đây là một loại gỗ có chất lượng cao cấp, với độ cứng cùng sức chịu lực và trọng lượng, chịu tải nước, hiện tượng mục nát hay gặp mối mọt không xuất hiện, rất ít cong vênh hoặc nứt vỡ sau khi chế tác.

Thớ gỗ muồn đen chạy theo đường thẳng, kết cấu có phần thô, vân gỗ rất đẹp. Hơn nữa, thời gian trôi qua càng lâu, gỗ sẽ có màu trầm hơn. Từ đó, vẻ đẹp của đồ gỗ càng được tăng thêm.


Cây muồng đen có chiều cao cây từ 15 đến 20 m. Đường kính thân cây vào khoảng 50 đến 60 cm. Cây muồng đen có tán rộng và rậm, xanh mát. Cây được ưa chuộng trồng làm cây bóng mát, cây tầng cao che bóng trong các lô cà phê, nhất là trong các đồn điền thời Pháp thuộc.



Giá trị của cây muồng đen tuy không thể so sánh với các cây gỗ cao cấp, nhưng cũng cao hơn khá nhiều so với những loại gỗ như óc chó, gỗ sồi .... Tác dụng chính: làm đồ mỹ nghệ như: sập, gụ, đồ già cổ, bàn ghế, tủ để chè…, còn có một số nơi sử dụng với mục đích chế tác và làm đồ cúng bái. Với đặc tính giống gỗ sến và gỗ hồng đào là cứng, độ chịu lực khá cao và chịu tải nước, rất bền và chắc chắn, thích hợp để làm ván sàn và các món đồ  mỹ nghệ trang trí, xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng cao cấp, thường dùng để tiện trụ cầu thang giả cổ thay gỗ mun, lim, cẩm lai.

Bên cạnh những mục đích liên quan đến nông – công nghiệp và phát triển lâm nghiệp, muồng đen còn được sử dụng trong việc chắn gió để bảo vệ đô thị. Do loại cây này có rễ vô cùng chắc khỏe, ăn sâu xuống đất và phát triển nhiều rễ, chính vì vậy giúp cây vững chắc để chống chọi lại với giông bão, bảo vệ cảnh quan đô thị tốt hơn.

Hơn nữa, một ưu điểm khiến muồng đen được lựa chọn trồng cảnh quan ở các đô thị là hoa của loại cây này không có mùi nồng, và cũng không hợp với ruồi. 


Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Tổng quan về các loại gỗ trắc

Ở Việt Nam thì chúng ta có 3 loại gỗ trắc phổ biến chính là trắc đen, trắc đỏ và trắc vàng, nhưng hiện nay chúng ta có thêm một số loại gỗ trắc nữa đã du nhập vào thị trường đó chính là trắc dây và trắc Nam Phi. Gỗ trắc đen, trắc đỏ, trắc vàng đều là những loại gỗ quý hiếm có giá trị cao. Chúng nổi tiếng về độ bề và vô cùng chắc chắn. Gỗ trắc rất cứng, không sợ mối mọt, rất nặng, rất dai không bị cong vênh, chịu mưa nắng rất tốt. Bàn ghế giường tủ đóng bằng gỗ trắc có thể tồn tại hàng trăm năm. 

Gỗ trắc đen chỉ thua giá thành so với gỗ sưa, chúng có giá thành cao và được bán theo Kg chứ không phải được bán theo m3. Một thanh gỗ trắc nho nhỏ như thanh củi cũng được bán và có giá trị, hoàn toàn không như các loại gỗ thông thường khác.


Gỗ trắc có thớ gỗ rất mịn, vân chìm nổi lên như đám mây, gỗ có mùi chua nhưng không hăng, trong gỗ có tinh dầu nên khi quay giấy ráp hoặc khi lau chùi tinh dầu sẽ nổi lên rất bóng, khi đốt lên có mùi thơm dịu và tàn màu trắng ngà như tàn thuốc lá. Gỗ trắc nặng hơn cả gỗ lim, để lâu ngày nhìn bề ngoài dễ nhầm với gỗ cẩm lai.

Về thành phân cấu tạo, gỗ trắc rất lành, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Không những thế tinh dầu gỗ trắc còn được cho là rất tốt cho sức khỏe.

Cách nhận biết gỗ trắc: gỗ có mầu sắc đen, vàng hoặc đỏ; gỗ để lâu xuống màu đen, màu đỏ sẫm, dùng dao hoặc giấy ráp đánh nhẹ có thể thấy màu đỏ sẫm, vân chìm. Vân gỗ chìm, những gỗ gốc vân xoắn xít nổi lên từng lớp từng lớp rất đẹp. Tom (thớ gỗ): rất mịn , nhỏ, thi thoảng có tom màu đen. Đánh giấy ráp, hoặc dùng dao sắc cạo nhẹ sạch bụi , rồi ngửi trực tiếp vào gỗ thấy mùi thơm nhẹ. hoặc đốt , gỗ có tinh dầu nổ lóp bốp cháy sùi nhựa khói tỏa hương thơm nhẹ, tàn màu trắng đục.

Gỗ trắc đen, gỗ trắc ta:

Gỗ Trắc đen là loại gỗ trắc có giá trị nhất trong dòng gỗ trắc. Gỗ trắc đen ở Việt Nam được tìm thấy nhiều trong những khu rừng mưa nhiệt đới và rừng mưa nhiệt đới gió mùa, có từ tỉnh Quảng Bình trở vào được gọi là trắc ta. Thực tế gỗ trắc đen cũng có ở khu rừng lân cận là Lào và Campuchia.

Đặc điểm của gỗ trắc đen: Gỗ trắc có màu sắc đen xám rất đẹp sang trọng. Gỗ trắc đen rất cứng và chịu được va đập tốt tính năng rất bền. Gỗ trắc đen rất nặng, thớ gỗ mịn có mùi chua nhưng không hăng. 

Gỗ trắc đen là sự lựa chọn hoàn hảo để làm bàn ghế và nội thất tự nhiên cao cấp không cần phải sơn bóng, sơn vecni càng để lâu gỗ càng xuống màu càng bóng càng giá trị. Giá trên thị trường mỗi m3 gỗ trắc đen lên tới hàng trăm triệu.


Gỗ trắc đỏ

Gỗ trắc đỏ hiện nay chủ yếu được khai thác bên Lào và Campuchia. Gỗ trắc đỏ lúc đầu có màu đỏ tươi như củ cà rốt nhưng bị ngâm nước sẽ chuyển sang đen. Gỗ trắc đỏ cứng, chắc không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ có tinh dầu, mùi thơm ngai ngái hắc.

Gỗ trắc đỏ là loại gỗ không được người Việt Nam ưa dùng lắm, nhưng lại rất được người Trung Quốc ưa thích và bên Trung Quốc còn gọi gỗ trắc đỏ bằng cái tên Hồng Mộc. Gỗ trắc đỏ bị xuống màu rất nhanh và nhanh chóng chuyển thành màu đen, nhưng khi xuống màu đen thì chúng không được màu đen đẹp như gỗ trắc đen.

Gỗ trắc vàng

Gỗ trắc vàng là loại gỗ có giá trị thương mại thấp hơn so với hai loại gỗ trắc trên khá nhiều nhưng nó vẫn thuộc trong loại gỗ hiếm, điều khiến chúng vẫn còn được sử dụng nhiều đó chính là gỗ này sau một khoảng thời gian sử dụng mà của chúng sẽ xuống thành màu nâu khiến cho chúng rất đẹp mắt. Thường được sử dụng để tác các loại tượng ví dụ như Tượng Quan Âm, Tượng Quan Công, Tượng Phật, Tượng Đạt Ma,… Trắc vàng ở Việt Nam được trồng rải rác ở các khu vực miền trung và tây nguyên, nhưng Lào và Campuchia vẫn là hai nơi cung cấp chủ yếu của loại gỗ này.

Gỗ trắc dây

Gỗ trắc dây thuộc loại thân leo chúng sống dựa vào các loại cây cao lớn khác để phát triển, và chúng phát triển rất lâu vì là cây ăn bám. Chúng có chiều dài từ 11m đến 15m, những gốc vài trăm tuổi trong những khu rừng già cũng chỉ có thể đạt đường kính tối đa là 30cm.

Gỗ trắc Nam Phi

Trắc ngố tên gọi  khác của trắc Nam Phi. Đặc điểm của loại trắc này là chúng không hề có tinh dầu cho nên gỗ sẽ không có mùi hương như những loại kia bù lại thì nó lại rất là nặng và cứng cùng với đó vân của chúng khá là đẹp và đều nhau. Nhưng ở chúng lại có đặc điểm rất xấu đó chính là tôm gỗ to, hay bị nứt gỗ do vậy giá thành của nó chỉ bằng  10 đến 15% so với các loại gỗ thông thường khác thôi.

Với những loại gỗ trắc đen, đỏ, vàng là loại gỗ có nhựa cho nên chúng khi bị đốt lên có thể gây ra những tiếng nổ tanh tách nhỏ và bốc lên một mùi hương khá thơm, khói của chúng bay lên là khói trắng đục giống với khói của thuốc lá.  Còn với loại gỗ trắc Nam Phi thì chúng không có mùi, còn gỗ trắc dây lại có mùi hơi ngai ngái.